REACHING INTERNATIONAL REACH WITH ENTERPRISES
ENHANCE THE POSITION OF THE NATIONAL BRAND

MENU
KNA Cert - Quality Innovation

Vượt qua cái mác “ đồ sinh viên mới ra trường” như thế nào?

Bạn có phải vừa chân ướt chân ráo bước chân vào môi trường công sở? Bạn có bao giờ bị gọi là “đồ sinh viên mới ra trường” mỗi khi mắc phải một sai lầm nào đó? Hãy cùng KNA ngồi xuống tâm sự và tìm ra cách thoát khỏi cái mác đó nhé!

Từ đâu cái cụm “đồ sinh viên mới ra trường” lại phổ biến như vậy?

Chắc hẳn hiện tượng công sở bị coi là nơi để mọi người “đấu đá” nhau không còn xa lạ, rồi cả sự “tung hoành” của tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới”. Những người nhân viên lâu năm xoay các bạn sinh viên mới ra trường như chong chóng chỉ để lấy cái này, lấy cái kia, chuyển tài liệu hay thậm chí việc xuống lấy đồ ship cũng đến tay, rồi muôn vàn những nhiệm vụ không tên khác chỉ vì họ bị coi là “đồ sinh viên mới ra trường”. Có lẽ những người nhân viên ấy đã nhầm lẫn chuyện sinh viên đến đây để “làm” việc thành đến đây “xin” việc.

Chắc hẳn nhiều bạn cũng đã gặp phải môi trường làm việc như vậy, bởi đây dường như là một nét đặc trưng nơi công sở mà chúng ta không thể phủ nhận được. Để thay đổi được nét “đặc sản” này có lẽ là điều không thể, nhưng để tăng sức “đề kháng” của bản thân trước sự nhầm tưởng đó thì không phải là không có cách. 

Đừng tự đánh lừa bản thân, thực sự coi mình là cái “đồ sinh viên mới ra trường” 

Không ai là hoàn hảo cả. Và kinh nghiệm làm việc cũng vậy, không phải tự nhiên mà có. Do vậy, đừng tự ti chỉ vì chúng ta là sinh viên mới ra trường. Hãy tự lấy nó làm động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn, vượt lên mọi định kiến về sinh viên vừa tốt nghiệp, chứng minh cho họ thấy mình không hề yếu kém, không hề lười biếng và mình xứng đáng được làm việc đúng với vị trí mà mình trúng tuyển. 

Có thể bạn từng nghe loáng thoáng quan điểm rằng nhân viên thử việc thì chỉ được làm vậy thôi, nếu không làm lặt vặt thì làm sao làm được những việc chuyên môn. Không thể phủ nhận chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc lặt vặt, nhưng chắc chắn nó sẽ lãng phí nhiều, thậm chí rất nhiều thời gian của bạn cho đống việc không tên ấy mà chả giúp ích được gì cho bạn trong việc tích lũy thêm kinh nghiệm hay kỹ năng. 

Bởi vậy, đừng lúc nào cũng chỉ chăm chăm làm theo những công việc lặt vặt được giao, đừng nghĩ rằng những công việc không tên đó là nhiệm vụ chính của mình hàng ngày. Mỗi người, mỗi vị trí làm việc đều sẽ có những nhiệm vụ, vai trò và chức năng riêng. Nếu bạn mãi đi lạc trong đống hỗn độn ất thì sẽ mất đi phương hướng của chính mình. 

Vượt qua cái mác “đồ sinh viên mới ra trường” đó như thế nào?

Không ngại lăn xả làm việc hết mình 

Bạn nên lăn xả vào công việc chuyên môn nhiều hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tự nhận thức được rằng khi làm việc trong vị trí thử việc sẽ có nhiều áp lực về deadline hơn so với những người làm việc lâu năm, thành thạo. 

Có thể bản thân chưa biết làm, nhưng cứ nhận những đầu việc chuyên môn được giao đi, bởi biết đâu nếu bạn bỏ lỡ cơ hội này thì sẽ khó có cơ hội khác. Trong trường hợp gặp phải nghiệp vụ khó hay những vấn đề còn mơ hồ, bạn có thể tập hợp lại thành danh sách để hỏi những anh chị đi trước. Việc này không chỉ giúp bạn tích lũy thêm kinh nghiệm và kiến thức, mà còn thể hiện cho mọi người thấy rằng bạn không hề thụ động và bạn có thể làm được những công việc mang tính chuyên môn nếu được chỉ dạy tường tận.

Tuy nhiên, nếu họ đã tỏ rõ thái độ không thích hoặc khó chịu, đừng nên tiếp tục, không thì sẽ thành “cố quá thành quá cố”. Thay vào đó, bạn hãy hỏi người quen khác cùng ngành, hoặc lưu lại để hỏi trực tiếp quản lý vào những buổi họp giao ban hay họp chuyên môn, chắc hẳn bạn sẽ nhận được câu trả lời như mong muốn thôi.

Từ bé đến lớn khi đi học chúng ta vẫn thường được bảo là “không được giấu dốt”. Do vậy, đừng ngần ngại hỏi những điều chưa biết. Thêm vào đó, khi có cơ hội được tiếp cận với kiến thức chuyên môn mới, hãy lắng nghe thật kỹ những gì được chỉ dạy, tốt hơn hết là cầm theo quyển sổ để ghi chép mọi thứ. Điều này vừa không làm mất thời gian của hai bên trong trường hợp bạn không nhớ và hỏi lại, vừa giúp ích cho bạn trong quá trình làm việc.

Hãy làm việc một cách tâm huyết, chăm chỉ, cẩn thận, cố gắng đừng gây ra bất kỳ sai sót nào. Như vậy bạn sẽ nhận được sự tin tưởng từ mọi người trong công ty, tiếp tục được giao công việc mới và dần dần kinh nghiệm làm việc của bạn cũng sẽ được cải thiện. 

Học cách từ chối khi cần thiết 

Một trong những sai lầm mà nhiều bạn mắc phải trong lần đầu làm việc tại môi trường công sở chính là không từ chối bất kỳ một “sự nhờ vả” nào, dành hết thời gian làm những nhiệm vụ không tên. Tuy nhiên, bạn nên biết cách nói không, từ chối những nhiệm vụ ngoài lề, không thuộc phận sự. 

Dẫu vậy, cần lưu ý, không nên thể hiện thái độ rõ ràng quá mà hãy khéo léo, nhẹ nhàng từ chối, thể hiện mình vẫn còn rất nhiều việc quan trọng phải làm và không thể giúp họ giải quyết những việc đó được. Việc răm rắp làm theo những công việc được “nhờ vả” sẽ chỉ biến bạn thành nhân viên tạp vụ mà thôi. 

Không chia bè kết phái 

Đây không chỉ là vấn nạn chốn văn phòng mà ngay từ trên trường lớp bạn đã có thể từng gặp qua rồi. Việc kết bè phái không những làm tình đồng nghiệp của bạn “đi xuống” mà còn ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bản thân, nhất là đối với một nhân viên thử việc. 
Để đảm bảo việc này không xảy ra, hãy hạn chế tham gia những câu chuyện phiếm bàn tán người này người kia. Mỗi khi cần đưa ra ý kiến liên quan đến quan điểm cá nhân, hãy dựa trên sự mách bảo của bạn thân thay vì thiên vị hay nghe theo quyết định, ý kiến của bất cứ ai khác. 

Môi trường công sở chắc chắn không tránh khỏi những điều đặc trưng hay góc khuất riêng, nhưng đối với những thứ tiêu cực như vậy thì chúng ta nên tránh. Hãy cố gắng đoàn kết với đồng nghiệp của mình, bởi dù bạn có giỏi đến mấy mà không biết cách "sống chung" thì sẽ khó mà thành công được. 

Đảm bảo đó là môi trường làm việc bạn thấy phù hợp 

Bất kể nhà tuyển dụng hay chúng ta đều sẽ mong muốn tìm được điều phù hợp nhất. Chúng ta mong chờ tìm được vị trí công việc phù hợp nhất, còn nhà tuyển dụng mong muốn tìm được ứng viên phù hợp nhất. 

Do vậy, sự phù hợp luôn là yếu tố hàng đầu mà bạn cần quan tâm mỗi khi bước chân vào bất cứ môi trường làm việc mới nào. Bạn sẽ chỉ thực sự phát huy được năng lực bản thân khi bạn ở trong môi trường như vậy, giống như cá gặp nước. Vì thế, dù là sinh viên mới ra trường không có nhiều lựa chọn, nhưng nếu sau một thời gian mà bạn không thể thích nghi, các bạn cũng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề sao cho đưa ra hướng đi đúng đắn.
 

 

KNA accompanies you on your journey forward
Together develop sustainably & prosper

back to top
mesenger zalo
phone
0968.038.122
PRICE LIST